Cây trạch tả là dược liệu quý trong đông y được biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh như điều trị hoa mắt, chóng mặt, phù thũng do thận hư, lipid máu cao… Liều dùng 8 – 40g một ngày dạng sắc uống.
Trạch tả là cây gì?
Cây trạch tả tên khoa học là Alisma plantago aquatica L. – một loại thực vật có hoa được dân gian gọi với cái tên phổ biến là mã đề nước. Cây có chiều cao trung bình dao động từ 0,3 -1 m, không có lông. Thân rễ trắng, có thể mang hình cầu hoặc hình con quay.
Lá cây dài từ 15 – 30cm, mọc thành cụm từ dưới gốc lên. Lá thu hẹp dần về phía dưới cuống, hình lưỡi mác. Cán hoa dài, tròn, nhẵn phát triển từ dưới gốc lên, phân chia thành nhiều vòng hoa mang cuống dài. Hoa trạch tả lưỡng tính, có 3 cánh màu trắng hoặc phớt hồng.
Quả bế dạng đơn lá loãn, không nứt vỏ. Rễ trắng, mảnh, mọc thành cụm phân tán ăn sâu vào đất.
Phân bố
Trạch tả mọc hoang nhiều ở các vùng nước nông,khu vực ẩm ướt, nước ngọt, chẳng hạn như đầm lầy, bờ sông, bờ hồ. Đây là loại cây bản địa của các nước khu vực bán cầu Bắc, chẳng hạn như châu Âu, Bắc Mỹ hay Bắc Á.
Ở Việt Nam, cây được tìm thấy nhiều ở khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên hay Sapa.
Dược liệu dễ nhầm lẫn
Phân biệt: Mã đề, Trạch tả, Mã đề nước.
Qua tên gọi theo âm Hán – Việt:
Mã đề (Xa tiền)
Trạch tả (Thuỷ đề)
Mã đề nước (Thuỷ xa tiền)
Trạch tả có hình dạng như Mã đề, Mã đề nước lại có dạng như Trạch tả.
1. Mã đề:
Mã đề là loài cây thảo sống lâu năm, có thân ngắn. Lá mọc thành cụm ở gốc, có cuống dài, phiến hình thìa hay hình trứng dài 5 – 12cm, rộng 3,5 – 5cm, đầu tù hơi có mũi nhọn; gân lá hình cung; cuống lá dài 5 – 10cm, be ở gốc. Hoa nhỏ, mọc thành bông dài. Quả hộp chứa nhiều hạt nhỏ màu đen bóng. Ở nước ta, Mã đề mọc hoang và cũng được trồng khắp nơi lấy lá làm rau ăn, lấy cây và hạt làm thuốc.
Công dụng: công năng thanh nhiệt lợi niệu, minh mục, khư đàm chỉ khái dùng trị bệnh lậu, đái ra máu, viêm kết mạc, ho có nhiều đờm, viêm phổi, bạch đới, cao huyết áp và thuỷ thũng trướng mãn.
2. Trạch tả: Theo phần Mô tả cây
3. Mã đề nước
Mã đề nước là cây thảo thuỷ sinh có thân ngắn hay không thân. Lá có hình dạng thay đổi; lá chìm hình dải hoặc hình tròn ngắn; lá nổi hình trứng rộng hay hình tròn ngắn, dài 3 – 18cm, rộng 1,5 – 18cm, màu lục tía, mép lá lượn sóng; cuống lá dài 0,5 – 17cm, tuỳ theo độ sâu của nước. Cụm hoa có mo bao bọc gồm có hoa lưỡng tính và hoa đơn tính, có cuống dài 2 – 30cm, mang 5 – 6 đoá hoa có cánh lượn sóng màu lục hay màu trắng. Quả hình cầu, có 6 cánh dọc dạng làn sóng, chứa nhiều hạt. Mã đề nước mọc chìm, sống trong nước ngọt: ao hồ, ruộng nước. Thường gặp ở ruộng vùng đồng bằng, ao hồ vùng rừng và suối vùng Trường Sơn. Còn gặp ở Côn Đảo. Cũng phân bố từ Trung Quốc, Nhật Bản tới Ôxtrâylia và Đông Bắc châu Phi.
Bộ phận dùng làm thuốc
Rễ (củ) của cây trạch tả chính là bộ phận được dùng làm thuốc.
Đặc điểm dược liệu
Củ trạch tả hình cầu tròn, bầu dục hoặc hình trứng. Đường kính tối đa cỡ 5cm, chiều dài khoảng 6,6cm. Bao bọc bên ngoài củ là một lớp vỏ thô, màu trắng vàng, chứa nhiều vành rãnh nông nằm ngang. Xung quanh củ mọc ra nhiều rễ tơ, nhỏ.
Chất bên trong màu trắng vàng, cứng, chứa nhiều tinh bột. Mùi nhẹ, nếm thấy vị hơi đắng.
Thu hái – Sơ chế
Mỗi năm, trạch tả dược liệu được thu hoạch 2 lần. Lần đầu tiên vào tháng 6 và lần thứ hai là tháng 12. Trước khi thu hoạch dược liệu thì người dân sẽ cắt bỏ hoa để rễ củ phát triển to hơn.
Đến kỳ thu hoạch, toàn bộ cây sẽ được nhổ lên. Sau đó, cắt bỏ thân, lá, hoa và rễ con. Lấy củ rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Những củ to, chắc tay, có nhiều bột, chất màu trắng vàng được đánh giá là có chất lượng tốt nhất.
Bào chế thuốc
Cách 1: Ngâm củ trạch tả với nước cho thấm 8 phân. Sau đó phơi khô số lượng lớn, tích trữ dùng dần.
Cách 2: Củ trạch tả xắt lát mỏng. Pha loãng nước muối rồi phun vào miếng trạch tả cho hơi ẩm ướt ( dùng muối theo tỷ lệ 720g muối/ 50kg trạch tả ). Đem nấu và sao trên lửa nhỏ. Khi thấy dược liệu chuyển sang sắc vàng đem ra phơi vài nắng to cho thật khô ( Diêm trạch tả ).
Bảo quản
Lưu trữ trạch tả dược liệu nơi khô thoáng. Tốt nhất là cho vào hũ hoạch bịch ni lông. Mỗi lần sử dụng cột chặt miệng lại để tránh bị dính nước và bụi bẩn gây ẩm mốc.
Phân tích công dụng của Trạch tả theo Tây y:
Tên khoa học. Alisa plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữaa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm ure và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ huyết áp, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A, B, C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.
Phân tích công dụng của Trạch Tả theo Đông y:
Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu hoa mắt, chóng mặt