Tìm hiểu cách cho con bú đúng cách là một trong những công việc đầu tiên cần phải làm sau khi sinh. Ở đây trong trường hợp bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Một vài bà mẹ trẻ hiện nay làm ngực sẽ xin bác sĩ cắt sữa ngay từ khi mới đẻ. Cá nhân quan điểm của mình thì việc này khá thiệt thòi cho bé. Còn mẹ nào muốn cho con bú bằng sữa mẹ thì hãy đọc thật kĩ bài hướng dẫn “cho con bú đúng cách” này nhé.
Kiến thức bài viết này Hoa có tham khảo các bác sĩ tại bệnh viện sản lớn như Vinmec, Thu Cúc, Bảo Sơn.. kèm kinh nghiệm đã vượt cạn 3 lần. Hi vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích và thiết thực cho các mẹ mới sinh xong
Các kiến thức cần trang bị trước khi tìm hiểu việc cho con bú đúng cách
Vì sao cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng từ đạm, chất béo và khoáng chất, đặc biệt sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò. Sữa mẹ không có các thành phần protein lạ nên sẽ không gây dị ứng cho trẻ. Chính vì thế, các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ lớn nhanh hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng, còi xương hơn và thường có sức đề kháng tốt hơn so với những đứa trẻ khác.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, sau khi sinh, mẹ nên cho trẻ bú ngay để trẻ được tận hưởng dòng sữa non đầu đời giàu dinh dưỡng. Theo các bác sĩ chuyên khoa mẹ và bé, nếu cho bé bú không đúng cách có thể gây khó chịu cho cả hai mẹ con, bé có thể quấy khóc vì không uống được hoặc uống rất ít sữa mẹ, mẹ thì có thể bị căng sữa, đau rát đầu vú, và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất sữa.
Chính vì vậy, mẹ nên chọn tư thế cho con bú đúng và phù hợp để cả hai mẹ con cùng được thoải mái. Với những mẹ mới sinh chưa có nhiều sữa về hoặc trong thời gian mang thai hay bị căng thẳng dẫn đến tình trạng thiếu sữa, tắc tia sữa…. nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hậu quả không đáng có.
Dấu hiệu trẻ đòi ăn
Em bé có bản năng tự nhiên cho phép tìm thấy vú mẹ từ khi sinh. Những hành vi bản năng này được nhìn thấy sớm nhất là 1-2 giờ và tiếp tục ít nhất 3 tháng sau sinh. Chính những hành vi bản năng này giúp mẹ có thể nhận thấy dấu hiệu bé muốn ăn sớm nhất như:
- Xoay đầu từ mặt sang bên để tìm vú,
- Nút lưỡi.
- Miệng chuyển động như đang bú mẹ.
- Rúc, tìm ngực mẹ
- quằn người,
- Cho tay vào miệng,…
Khóc là một dấu hiệu đòi ăn muộn của việc bé cảm thấy đói, vì vậy thay vì đợi đến khi bé khóc quấy vì đói, mẹ nên nhận ra tín hiệu bé đòi ăn, cho bé ăn sớm hơn để trẻ không bị đói mẹ nhé.
Tham khảo : Trẻ sơ sinh bú bao nhiêu ml sữa mỗi ngày là đủ
Dấu hiệu bé đã bú đủ
Với những bà mẹ trẻ khi sinh con lần đầu thì chuyện nhận biết bé đã bú đủ no hay chưa là một chuyện không hề đơn giản.? Tuy nhiên, mẹ chỉ cần chịu khó quan sát một vài dấu hiệu dưới đây sẽ biết ngay con có bú đủ hay không.
- Sau mỗi lần bú, bầu ngực của bạn trở nên mềm hơn
- Trẻ đi ngoài với phân có màu vàng, mềm
- Đi tiểu đều đặn, nước tiểu không có màu hoặc màu vàng nhạt, không có mùi hôi. Điều này chứng tỏ bé đã nhận đủ sữa
- Con bạn sẽ thể hiện sự vui vẻ, thoải mái và hài lòng sau mỗi lần bú
- Cân nặng của bé sẽ tăng lên một cách đều đặn sau khoảng 2 tuần đầu tiên
Lưu ý: Bạn đừng quá lo nếu thời gian bú của con ngắn hơn bình thường.Tùy thuộc vào bầu ngực của mỗi mẹ sẽ tạo ra khối lượng sữa khác nhau, bé có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng chỉ trong vòng vài phút khi bú. Miễn sao mẹ đảm bảo việc cho con bú đúng cách cũng như không bỏ qua cữ bú nào.
Trang bị kiến thức cho con bú đúng cách
Tư thế cho con bú đúng cách
Dưới đây là một số tư thế cho bú đúng cách được nhiều mẹ áp dụng. Chị em có thể chọn một tư thế phù hợp và thoải mái nhất để cho con bú
Kiểu bế ngang
Có nhiều tư thế cho con bú các mẹ có thể lựa chọn, trong đó, bế ngang là tư thế phù hợp nhất vào những ngày đầu cho con bú mẹ. Người mẹ ngồi thoải mái trên ghế có chỗ để tay.
Bé nằm ngang, cong người lại, xuôi theo chiều cánh tay đỡ của mẹ. Cả thân hình và phần đầu của bé nằm trong cánh tay, lòng bàn tay mẹ. Tránh gập hoặc duỗi thẳng người bé quá mức.
Kiểu ru ngủ
Cánh tay đỡ đầu con trùng với chiều của bên ngực cho con bú. Người mẹ nên ngồi thoải mái trên một chiếc ghế, có tay vịn. Để đầu của con vào chỗ khuỷu tay của mẹ. Có thể đặt thêm mọt chiếc gối ở tay để hỗ trợ.
Mẹ sinh mổ
Giữ con ở một bên ngực của mẹ sao cho khuỷu tay mẹ gập lại làm điểm tựa. Lòng bàn tay mẹ mở ra giữ đầu và cổ của bè hướng vào ngực mẹ. Muốn thoải mái hơn, thử đặt một chiếc gối và lòng mẹ.
Cho bé bú nằm
Người mẹ nằm nghiêng một bên, hướng mặt bé vào bầu ngực mẹ. Khi bé đã ngậm vú đúng cách, kê gối lên đầu để tạo tư thế thoải mái hơn cho bé khi bú.
Cách cho con bú không bị sặc
Đa phần các trường hợp này xảy ra là do mẹ chưa biết cách cho con bú không bị sặc hay bú sai tư thế. Để hạn chế tối đa việc bé bị sặc sữa thì mẹ nên lưu ý những điểm sau:
- Bước 1: Đặt con nằm trọn vào lòng mẹ
- Bước 2: Cho con nằm nghiêng khoảng 30 – 45 độ so với lưng mẹ và tuyệt đối không cho bé bú trong tư thế nằm ngửa hoặc khi bé đang ngủ
- Bước 3: Mẹ cho bé ngậm hết quầng ti, đầu hơi ngửa, lưỡi và môi dưới của bé đặt dưới đầu ti.
- Bước 4: Mẹ đặt hai ngón tay trỏ và ngón cái kẹp đầu ti ở giữa để kiểm soát dòng sữa, nhất là với các mẹ cho con bú trực tiếp.
Đối với các bé bú bình thì mẹ nên tìm mua loại bình sữa có miếng chặn sữa để đảm bảo lượng sữa cho trẻ sơ sinh không ra quá nhiều so với sức bú của bé.
Những sai lầm cần tránh khi cho con bú
Để bé ngậm mỗi đầu ti khi bú là một trong những tư thế cho con bú sai mà các mẹ nên tránh. Vì tư thế cho con bú này sẽ khiến bé cố hút và cắn chặt vào ti mẹ, khiến sữa không thể thoát ra và cũng làm mẹ cảm thấy đau. Bé gắng sức nhưng lại không mút được nhiều sữa, sẽ dẫn đến chán bú và ảnh hưởng đến việc tiết sữa của mẹ, mẹ có nguy cơ bị dứt sữa sớm.
Tư thế cho con bú đúng là phải để bé ngậm trọn đầu ti của mẹ
Các mẹ cũng nên chú ý đến việc đảm bảo đầu, cổ của con thẳng hàng. Rất nhiều mẹ chỉ bế mỗi phần đầu còn phần thân thì bế lỏng lẻo, hoặc bế con nằm ngửa và quay mặt của con vào quầng vú…điều này khiến cổ của bé bị trẹo, rất khó nuốt sữa, bé sẽ mệt mỏi và quấy khóc nhiều. Lâu dài, con sẽ chán bú và bỏ bú khi tư thế cho con bú của mẹ không đúng.
Việc bé bú mẹ không đúng cách sẽ khiến mẹ dễ bị “Nứt cổ gà”. Đây là một cảm giác không hề dễ chịu chút nào.
Tìm hiểu thêm : 6 vấn đề ngực các mẹ hay gặp phải khi cho con bú
Một số lưu ý về việc cho trẻ bú
- Mẹ có biết, trong vài giờ đầu sau sinh, mẹ sẽ có một lượng sữa non, và lượng sữa này của mẹ rất quý giá, có thể giúp trẻ miễn dịch hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì thế, mẹ nên cố gắng tận dụng nguồn sữa này cho con bú nhé.
- Nếu bé không tuân theo cữ bú tiêu chuẩn theo khuyến cáo, thì mẹ có thể dựa vào nhu cầu của bé để cho bú. Mẹ đừng ép bé bú liên tục sẽ làm nảy sinh tâm lý sợ hãi khiến bé bỏ bú.
- Khi bú mẹ, trong khoảng hai tuần đầu, bé có thể bị sút cân sinh lý do chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài. Trung bình trẻ có thể giảm từ 140-200g và sau khoảng 10 – 12 ngày thì trở lại nhịp tăng trọng bình thường. Nên mẹ đừng quá lo lắng khi con bị sút cân trong khoảng thời gian này nhé.
- Trong những ngày đầu sau sinh, nếu quan sát mẹ có thể thấy tã trẻ chỉ hơi ẩm. Nhưng sau đó chỉ ít hôm, tã của trẻ sẽ ướt nhiều hơn khi đã bú được nhiều. Lúc này, mỗi ngày mẹ có thể phải thay 8 -10 chiếc tã để đảm bảo da bé luôn khô thoáng và không bị hăm.
- Lưu ý tăng cường chất lượng sữa cho con đồng thời giúp mẹ khỏe mạnh, mau phục hồi bằng cách: đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng cho mẹ. Bữa ăn nên có đầy đủ các nhóm thực phẩm: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống đủ nước mỗi ngày. Đặc biệt giai đoạn đầu sau sinh là khoảng thời gian con vẫn phát triển mạnh mẽ về não bộ, thị giác nên mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ DHA, EPA, sắt, I-ốt… cho con bằng cách bổ sung thuốc bổ đều đặn mỗi ngày
Cho con bú là một trải nghiệm tuyệt vời mà bất kỳ phụ nữ nào sau khi sinh cũng đều trải qua nhưng không phải ai cũng biết cách làm thế nào cho đúng. Hi vọng qua bài viết hướng dẫn cho con bú đúng cách của Moshi sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức chăm sóc thiên thần nhỏ của mình. Chúc mẹ và con mạnh khỏe!